VN có thể chạm mốc 8 triệu tấn xuất khẩu
Cập nhật mới nhất từ Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho thấy giá gạo 5% tấm xuất khẩu của VN tiếp tục tăng thêm 10 USD,ơnsốtgiágạosẽkéodàiđếnkhinànhà cái lên mức 663 USD/tấn; gạo 25% tấm cũng tăng 10 USD, lên 648 USD/tấn. Đây là lần điều chỉnh tăng giá thứ hai trong tháng này với biên độ 10 USD/tấn/lần. Đứng sau VN là gạo 5% tấm của Pakistan 568 USD/tấn và thứ 3 là gạo Thái Lan 558 USD/tấn.
Tại vựa lúa ĐBSCL, nhiều nông dân và thương lái cho biết giá lúa nguyên liệu liên tục tăng, hiện phổ biến đã vượt 9.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lúa OM 18, nàng Hoa trong khoảng 9.000 - 9.200 đồng/kg; nàng Hoa 9 từ 9.000 - 9.300 đồng/kg; Đài thơm 8 có giá 8.800 - 9.000 đồng/kg; IR 50404 khoảng 8.700 - 8.800 đồng/kg…
Theo khảo sát của Thanh Niên, bà con nông dân đang hết sức phấn khởi vì lúa được mùa trúng giá. Nhưng điều này đã đẩy giá gạo nguyên liệu tiếp tục tăng thêm 200 - 300 đồng, gạo trắng loại một và gạo trắng 5% tấm có giá khoảng 16.000 đồng/kg và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nguồn cung trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều nước vẫn cao. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp có hợp đồng thì buộc phải gom hàng trả đơn, còn phần lớn các doanh nghiệp đang tạm ngưng chờ vụ đông xuân sắp tới. "Giá gạo 5% tấm của VN hiện đã cao hơn Thái Lan 105 USD/tấn. Ngoài ra các loại gạo thơm chất lượng cao của VN cũng tăng theo gạo trắng, mức tăng đến 30 - 40 USD/tấn, với giá phổ biến từ 750 - 800 USD. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của hạt gạo VN nên hầu như doanh nghiệp không ký được hợp đồng mới", một doanh nghiệp cho hay.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VFA, phân tích: Nguồn hàng không còn nhiều trong khi nhu cầu lại cao nên giá cứ tăng như bong bóng nhưng thực tế thì lượng xuất không đáng kể. Tính đến hết tháng 10, VN đã xuất được trên 7 triệu tấn. Trong 2 tháng còn lại, tối đa chúng ta xuất thêm 1 triệu tấn. Đây là con số kỷ lục về lượng gạo xuất khẩu của VN trong một năm.
Vừa trở về từ chuyến khảo sát thị trường Trung Quốc, ông Nam thông tin thêm thời gian qua, nước này không tăng nhập khẩu khi giá gạo lên cao. Theo ông, Trung Quốc kiềm chế giá gạo nội địa rất tốt nhờ có kho dự trữ lớn nên xả kho để ổn định thị trường. "Giá gạo của Trung Quốc hiện còn rẻ hơn gạo VN dù họ là khách hàng truyền thống của chúng ta. Tuy nhiên, việc này cũng khiến cho kho dự trữ của Trung Quốc bị thiếu hụt và vào thời điểm thích hợp họ sẽ phải tăng nhập để bổ sung. Vì vậy về lý thuyết có thể tin giá gạo sẽ còn tiếp tục ở mức cao và kéo dài", ông Nam nhận định.
"Không hạ nhiệt trước 2025"
Báo cáo "Triển vọng hàng hóa toàn cầu" do WB vừa công bố nhận định: Giá gạo toàn cầu dự kiến sẽ không giảm (đáng kể) trước năm 2025 do hạn chế xuất khẩu từ các quốc gia sản xuất lớn và mối đe dọa kéo dài của hiện tượng El Nino. Cụ thể, giá nông sản được dự báo sẽ giảm 7% vào năm 2023 và thêm 2% vào năm 2024 và 2025 nhờ nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, ngược lại thì giá gạo vẫn tăng. Giá gạo toàn cầu trung bình năm 2023 cao hơn 28% so với năm 2022 và dự kiến sẽ tăng thêm 6% vào năm 2024. Nguyên nhân do mối đe dọa từ El Nino và các chính sách hạn chế xuất khẩu từ các nguồn cung lớn cũng như tăng nhập khẩu từ các nước có nhu cầu cao. Báo cáo cũng đề cập đến việc vụ kharif, một trong 2 vụ chính của Ấn Độ, mất mùa, sản lượng sụt giảm.
Sản lượng gạo của Ấn Độ sụt giảm bao nhiêu vẫn còn nhiều nhận định khác nhau. Một số chuyên gia quốc tế ước tính sụt giảm 7 - 8%, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (REA) đưa ra con số 2 - 3%, còn Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính sản lượng gạo của Ấn Độ giảm 3%, tương đương khoảng 4 triệu tấn. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi nông dân Ấn Độ cho biết sản lượng từ vụ gieo trồng mùa hè có thể giảm 4% xuống 106,3 triệu tấn.
Từ tháng 7.2023, Ấn Độ bắt đầu các chính sách hạn chế xuất khẩu, tuy nhiên giá gạo trong nước vẫn cao hơn gần 15% so với một năm trước. Cuối tuần trước, Thủ tướng Narendra Modi cho biết chính phủ cố gắng bảo vệ người tiêu dùng trước những đợt tăng giá lương thực. Ấn Độ đang xem xét mở rộng chương trình cung cấp ngũ cốc miễn phí hoặc trợ cấp cho hơn 800 triệu người. Chương trình có thể kéo dài 5 năm. Để thực hiện chính sách này, chính phủ phải mua thêm lúa mì và gạo từ nông dân.
Năm nay là lần đầu tiên sau 8 năm, sản lượng gạo của Ấn Độ dự kiến sẽ giảm. Cùng với đó là kế hoạch trợ cấp lương thực diện rộng. Đây là những cơ sở khiến nhiều chuyên gia tin rằng Ấn Độ sẽ tiếp tục các chính sách hạn chế xuất khẩu. Một số cơ quan thông tấn quốc tế cũng như các nguồn tin ẩn danh xác nhận "chính phủ chưa có kế hoạch nới lỏng các lệnh cấm trong tương lai gần".
Đối với nguồn cung từ Thái Lan, Ủy ban Chính sách lúa gạo quốc gia do Thủ tướng Srettha Thavisin chủ trì đã yêu cầu Bộ Thương mại tiếp tục cải thiện và hoàn chỉnh các chính sách ổn định giá gạo cho vụ thu hoạch 2023/2024. Chính phủ Thái Lan sẽ hỗ trợ tín dụng và lãi suất cho doanh nghiệp và nông dân tạm trữ lúa gạo lại từ 1 - 5 tháng thay vì bán ngay sau khi thu hoạch. Cục Hải quan Thái Lan cho biết trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo tăng lên tới 6,08 triệu tấn, trị giá 3,44 tỉ USD, tăng 12,3% về số lượng và 23,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, trong tháng 10 nước này đã xuất khẩu thêm 800.000 tấn gạo, nâng tổng số gạo đã xuất của Thái Lan lên 6,88 triệu tấn. Dự kiến lượng gạo xuất khẩu cả năm 2023 có thể vượt mục tiêu ban đầu và đạt đến con số 8,3 - 8,5 triệu tấn.
Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đánh giá nhu cầu gạo vẫn tiếp tục mạnh mẽ, đặc biệt từ thị trường Indonesia. Điều này khá trùng hợp với thống kê của Hiệp hội lương thực VN. Cụ thể trong tháng 9.2023, Indonesia là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của VN với sản lượng 166.000 tấn trong khi thị trường truyền thống Philippines chỉ đạt gần 97.000 tấn, Ghana gần 81.000 tấn và Trung Quốc là 72.000 tấn. Thông tin chính thức từ các quan chức Indonesia xác nhận sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu gạo trong năm 2024. Indonesia cũng cần bảo đảm an ninh lương thực và ổn định thị trường để chuẩn bị bầu cử.
Có thể thấy trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, nhu cầu tăng cao, gạo Việt vẫn đang đứng trước cơ hội tạo ra những kỷ lục mới.
Hiện nay, Ấn Độ vẫn kéo dài các chính sách hạn chế xuất khẩu gạo. Đây là nguồn cung quan trọng và chiếm tới 40% lượng gạo thương mại toàn cầu. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều nước đang cao. Chính vì vậy mà giá gạo sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2024, có thể sẽ ở mức xung quanh 600 USD/tấn.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN